Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Nghề sửa chữa điện thoại di động: Tỉ mỉ và tận tình

Thị trường Việt Nam nhiều tiềm năng với sản phẩm điện thoại di động (ĐTDĐ), vì thế dịch vụ chăm sóc khách hàng (KH) của các hãng ĐTDĐ đang được chú trọng nên cần rất nhiều người giỏi nghề sửa chữa.
Nghề cần sự tỉ mỉ...

Anh Võ Trọng Chinh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm dạy nghề sửa chữa điện thoại & Chăm sóc KH Nokia (Nokia Care) cho biết: Với chuyên viên sửa ĐTDĐ, yêu cầu đầu tiên là kiến thức cơ bản về điện tử và viễn thông, tinh thần ham học hỏi và sự khéo léo. Các hãng ĐTDĐ luôn cho ra những công nghệ và dòng sản phẩm mới nên các chuyên viên phải yêu thích công nghệ và luôn biết tự tìm hiểu cái mới.
Chị Hằng và anh Danh đang trao đổi sửa chữa ĐTDĐ khách hàng

Làm nghề này không nhất thiết phải tốt nghiệp đại học. Hiện nay, có khá nhiều trung tâm dạy nghề về sửa chữa ĐTDĐ dành cho các bạn trẻ. Mọi người có thể lựa chọn chương trình để theo học các cấp độ từ cơ bản cho đến chuyên sâu. Cố gắng học hỏi, cập nhật thường xuyên kiến thức mới bạn sẽ gặt hái nhiều thành công. Các bạn trẻ có thể tìm được nhiều thông tin cũng như tài liệu trên Internet.
Tận tình với khách hàng
Quy trình chung tại các trung tâm bảo hành ĐTDĐ là khi tiếp nhận ĐTDĐ của KH, người tiếp nhận phải ghi nhận thông tin tình trạng máy. Sau đó kỹ thuật viên kiểm tra tổng quát lỗi mà KH đã khai báo, cập nhật lại phần mềm cho máy và kiểm tra hoạt động của máy bằng phần mềm chuyên dụng. Tiếp theo là kiểm tra phần cứng. Nếu xác định linh kiện nào bị lỗi sẽ thay thế bằng linh kiện mới. Sau đó, kiểm tra lại một lần nữa để đảm bảo máy hoạt động bình thường. Bộ phận kiểm tra chất lượng sẽ kiểm tra lần cuối rồi chuyển trả KH.
“Khi có dòng máy mới, kỹ thuật viên cần đánh giá chung xem nó khác gì so với những dòng đã có. Nhìn chung, các dòng máy luôn có một sự kế thừa. Nếu kỹ thuật viên nắm vững những dòng trước đó, không quá khó để cập nhật kiến trúc thiết kế, chức năng mới của máy”, Anh Võ Trọng Chinh.

Theo chị Nguyễn Thị Thu Hằng, nhân viên tiếp nhận yêu cầu KH của Công ty Viễn Thông A, việc KH nổi nóng rất dễ gặp phải và nhân viên phải khéo léo xử lý. Chẳng hạn, có trường hợp ĐTDĐ của KH bị vô nước và máy khởi động không lên nguồn. Sau khi vệ sinh máy và thay màn hình mới (màn hình bị ố) máy được giao cho KH. Ba ngày sau, KH nổi giận, than phiền là bàn phím bị nhảy do hư dây cáp đòi phải bồi thường. “Tôi giải thích là điện thoại của khách hỏng dây cáp, là một lỗi mới, và đề nghị giảm giá 10% cho linh kiện thay mới. Cuối cùng cũng nhận được sự thông cảm của KH. Đối với những bạn trẻ mới vào nghề, thời gian đầu có rất nhiều áp lực nhưng khi vượt qua, sự hài lòng của KH đôi khi như một phần thưởng với người làm nghề này”, chị Hằng tâm sự.
Trước đây, điện thoại chỉ có chức năng nghe và gọi nên ít hư. Hiện nay, ĐTDĐ thông minh (smartphone) có nhiều chức nănghơn, có thể cài hệ điều hành, chương trình phần mềm, lưu trữ và trao đổi giữ liệu, truy cập mạng, Bluetooth nên rất dễ bị hư hỏng phần mềm và bị hư do nhiễm virus. Thống kê tại Viễn Thông A cho thấy, gần 70% ĐTDĐ của KH bị hư hỏng phần mềm là chủ yếu. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như nguồn máy bị nước vô dẫn đến chập mạch, rớt, va chạm mạnh (đứt mạch điện, hư linh kiện), sử dụng pin, nguồn không đúng cũng làm cho máy mau bị hư.
Anh Trần Vũ Thành Danh, nhân viên sửa chữa điện thoại cho KH của Công ty Viễn Thông A, tham gia nghề sửa chữa xuất phát từ việc... không hài lòng khi đi sửa ĐTDĐ của mình trước đây. Anh Danh học một khóa sửa chữa ĐTDĐ tại Trung tâm Đào tạo và Sửa chữa ĐTDĐ DDC (TP.HCM). Với kiến thức điện tử đã học tại trường đại học, nghề sửa chữa ĐTDĐ với anh không quá khó. Linh kiện ĐTDĐ phức tạp, board mạch nhỏ, có rất nhiều chip điện tử trên board nên đây là một công việc rất thú vị, đòi hỏi phải có tính tỉ mỉ, chịu khó và luôn cập nhật kiến thức mới. Nếu yêu thích thật sự thì công việc dù khó mấy cũng thực hiện được.
Anh Chinh chia sẻ, việc xác định nguyên nhân gây lỗi ĐTDĐ cần sự bình tĩnh và có thời gian đánh giá các dữ kiện. Chẳng hạn, có lần ông phải xử lý trường hợp KH báo lỗi điện thoại nhưng nhân viên kỹ thuật kiểm tra không thấy có lỗi. Sau khi kiểm tra kỹ thấy các chức năng cũng như thông số kỹ thuật của máy bình thường, ông Chinh đã liên lạc trực tiếp với KH để tìm hiểu kỹ cách sử dụng cũng như tình huống mà khách cho là máy có lỗi. Nguyên nhân cuối cùng lại nằm ở... chính chiếc bao da mà khách đang sử dụng. Sau khi đổi sang bao da mới... máy lại chạy tốt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét