Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Nghề sửa điện thoại di động

Đam mê điện tử, cộng với một chút khéo léo và tỉ mỉ, trong suốt khoảng 7 tháng, cùng với khoản vốn đầu tư ban đầu chừng 7 triệu đồng, một người chưa biết gì về điện tử có thể tìm được việc làm với mức lương tháng trên 2 triệu đồng từ nghề sửa điện thoại di động. Muốn dễ thành công và không bị chán với nghề này, chí ít người học phải hoàn thành xong chương trình lớp 9.
“Nghề thời thượng”
Điện thoại di động (ĐTDĐ) vốn dĩ là sản phẩm của công nghệ tiên tiến nên người “mổ xẻ, giải phẫu” chúng cũng cần phải có trình độ và kiến thức công nghệ. Chính vì vậy, các nơi đào tạo nghề sửa ĐTDĐ đều có chung tiêu chí chọn học viên đã học xong lớp 9 hoặc cao hơn. Giảng viên một trường đào tạo nghề ở quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết: “Kiến thức tối thiểu có được từ bậc trung học cơ sở sẽ là nền tảng để người học tiếp thu được kiến thức điện tử cơ bản, tiếp thu được những kiến thức chuyên môn trong việc xử lý “bệnh” cho ĐTDĐ. Bằng không, người học sẽ khó mà thành công, có chăng chỉ là đem những gì đã nhớ và thuộc trong lúc học ra vận dụng gần như nguyên bản mà không thể chẩn đoán nổi những “bệnh lạ” của ĐTDĐ, hoặc gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận những công nghệ mới trong các điện thoại đời mới...”. Hơn nữa, nếu không có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, người học sẽ không nhận được chứng chỉ nghề của Tổng cục dạy nghề mà chỉ nhận được giấy chứng nhận đã học qua lớp sửa ĐTDĐ của nơi dạy.
Mặc dù đã tồn tại hơn 5 năm nay nhưng cho đến nay loại nghề này vẫn chưa có một giáo trình chung để xếp loại và đánh giá như những nghề khác. Do vậy, mỗi trung tâm đào tạo tự xây dựng một giáo trình riêng để dạy, thi và xếp loại. Mức học phí và thời gian đào tạo ở các trung tâm đào tạo cũng khác nhau. Công ty CPS có mức học phí 9,9 triệu đồng, học trong 7 tháng, mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi 3 giờ rưỡi. Tuy nhiên, sau đó có thể phải tốn thêm gần 2,5 triệu đồng để học thêm khóa chuyên sâu về phần mềm trên các dòng điện thoại đời mới như iPhone, HTC, Black Berry... để giải mã ĐTDĐ mang từ nước ngoài về, cập nhật (update) phần mềm điều khiển ĐTDĐ... So với CPS, Trường cao đẳng kỹ thuật Lý Tự Trọng thời gian đào tạo ít hơn 1 tháng, học phí khoảng 6 triệu đồng.
Hầu hết các nơi đào tạo đều chia chương trình đào tạo ra làm 2 phần: cơ bản và nâng cao. Lớp cơ bản sẽ dạy về kiến thức điện tử cơ bản; học viên nếu đã nắm vững kiến thức điện tử cơ bản thì có thể bỏ qua lớp cơ bản để vào học lớp nâng cao nhằm giảm học phí.
Ông Lâm Thanh Bình, một cựu giảng viên lớp đào tạo sửa ĐTDĐ khuyên: “Khi quyết định học nghề sửa ĐTDĐ, người học hãy xem mình có niềm đam mê điện tử và tính tỉ mỉ không. Không nên chọn nghề này vì nghe những thông tin có cánh như “nghề hái ra tiền, nghề dễ kiếm tiền...” của các nơi đào tạo. Ngoài ra cũng cần biết một chút về tiếng Anh để đọc các tài liệu liên quan đến điện thoại đang sửa hoặc biết cách thao tác trên điện thoại. Ngoài ra cũng cần biết kiến thức tin học căn bản để biết cách cài và sử dụng phần mềm, tìm dữ liệu trên mạng Internet...”.
Các trung tâm đào tạo thường phân bổ 20% thời gian cho việc học lý thuyết, còn lại là học thực hành ngay trên điện thoại. Trong khi đó, nếu đăng ký học ở các cửa hàng sửa chữa điện thoại, phần lớn thời gian học đều dành cho thực hành, mức học phí có thể rẻ hơn hoặc cũng có thể mắc hơn so với các trung tâm đào tạo. Ông Nguyễn Hồng Kha, giảng viên Trường cao đẳng kỹ thuật Lý Tự Trọng nhận định: “Nếu học tại các trung tâm đào tạo nghề, học viên có thể dễ dàng phân tích và tiếp thu những kiến thức mới từ cái nền kiến thức trong lý thuyết đã học. Học tại các cửa hàng thì phần lớn là chỉ biết làm theo những cái đã học”.

Đầu ra cho “nghề thời thượng”

Tại Việt Nam, với số lượng hơn 100 triệu thuê bao di động mà Cục thống kê cho biết hồi đầu năm 2010, nhu cầu cần thợ sửa ĐTDĐ ở các cửa hàng, công ty là không nhỏ, nhất là trong tình trạng thừa thầy thiếu thợ như hiện nay. Tuy nhiên, chứng chỉ nghề sửa ĐTDĐ chỉ mới là điều kiện để xét tuyển dụng ở các công ty; nếu không vượt qua phần kiểm tra tay nghề thì người học sẽ không được nhận. “Chúng tôi tuyển những người có chứng chỉ nghề sửa ĐTDĐ ở những nơi đào tạo có uy tín, phải biết sử dụng máy khò, máy hàn mạch điện tử. Người xin việc phải trải qua phần kiểm tra kỹ thuật tay nghề. Sau đó tiếp tục trải qua khoảng thời gian thử việc và học việc trong 2 tháng. Mức lương từ 2 triệu đồng, và sẽ tăng cao hơn khi trình độ tay nghề được nâng cao trong thời gian làm việc. Chúng tôi cũng thường xuyên đào tạo nâng cao tay nghề cho nhân viên”, ông Đặng Minh Lượm, giám đốc nhân sự Công ty Thế giới di động cho biết.
Ngoài ra, người học nghề này có thể xin vào làm ở các trung tâm bảo hành cấp độ 1 và 2 của các hãng điện thoại Nokia, Sony Ericsson, Samsung... mà không thể làm ở cấp độ 3. Ông Q., một người từng làm việc cho Trung tâm bảo hành cấp độ 3 của Nokia tại Việt Nam tiết lộ: “Do phải đảm bảo về tiêu chuẩn ISO và trình độ kỹ thuật cao nên Trung tâm bảo hành cấp độ 3 của Nokia thường chỉ tuyển những người có trình độ đại học liên quan đến viễn thông, hoặc từ các trung tâm bảo hành có uy tín. Sau đó được huấn luyện lại theo quy trình của hãng. Trong khi đó, Trung tâm bảo hành cấp độ 1 và 2 chỉ xử lý những lỗi liên quan đến phần mềm, màn hình, rung... nên có thể tuyển người có chứng chỉ nghề sửa chữa ĐTDĐ”.

Những người có vốn, sau khi tham gia khóa dạy nghề sửa chữa điện thoại DĐ, có thể mở cửa hàng bán và sửa ĐTTĐ, đem kiến thức ra vận dụng mà không phải đi làm thuê. Thường thì nơi đào tạo sẽ hỗ trợ về kinh nghiệm bán và quản lý cửa hàng ĐTDĐ cho học viên có nhu cầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét